Những người đi làm cả tuần bây giờ có thể yên tâm hơn, chỉ cần đi chợ một lần vào cuối tuần, và thức ăn có thể đem về dự trữ cho đủ cả tuần, thậm chí có những loại có thể để được cả năm. Thế nhưng vấn đề gặp phải là việc lựa chọn thức ăn như thế nào, bảo quản ra làm sao để các thức ăn lưu trữ này vẫn sử dụng được mà không gây nguy hại.
HƯỚNG DẪN AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG GIA ĐÌNH
Nguyễn Đình Nguyên
Trong những năm gần đây
ở nước ta, ngành công nghệ thực phẩm đã và đang phát triển để đáp ứng với tốc độ phát triển chung của nền kinh tế trong cả nước. Ngành công nghiệp dân dụng phục vụ tiêu dùng cũng gia tăng và phát triển đáng kể. Chỉ khoảng dưới 10 năm trước, ở Viêt Nam từ Siêu thị là một cái gì đó xa lạ với chúng ta, thì bây giờ ở các thành phố lớn và lan đến các thành phố lân cận, siêu thị đã trở thành một nhu cầu cho người tiêu dùng. Những người đi làm cả tuần bây giờ có thể yên tâm hơn, chỉ cần đi chợ một lần vào cuối tuần, và thức ăn có thể đem về dự trữ cho đủ cả tuần, thậm chí có những loại có thể để được cả năm. Thế nhưng vấn đề gặp phải là việc lựa chọn thức ăn như thế nào, bảo quản ra làm sao để các thức ăn lưu trữ này vẫn sử dụng được mà không gây nguy hại. Ngộ độc thực phẩm luôn là một vấn đề khó khăn cho xã hội khi sự phát triển của các ngành liên quan đến cung cấp và tiêu thụ thực phẩm không đồng đều, không đồng bộ; cũng như quy cách sử dụng của người tiêu dùng. Bài viết này sẽ khái quát những nét chính nhằm hướng dẫn người tiêu dùng cách lựa chọn một số loại thực phẩm chủ yếu là thực phẩm trong siêu thị, cách bảo quản an toàn phòng tránh vấn đề ngộ độc thức ăn đáng tiếc có thể xảy ra.
Ghi chú từ sử dụng: Tủ lạnh, trong tủ lạnh: ngăn bình thường của tủ lạnh; ngăn lạnh (chilling compartment/section): ngăn nhỏ lạnh trong tủ lạnh, không phải ngăn đá; ngăn đông lạnh, ngăn đá: là ngăn riêng để đồ đông lạnh, làm đá.
I. HƯỚNG DẪN LỰA CHỌN THỰC PHẨM
Trước khi mua một loại thực phẩm nào, nhất là thực phẩm đóng hộp, nên dành ra ít phút để xem xét, đọc kỹ nhãn hiệu, đó là cách tốt nhất để phát hiện ra những khiếm khuyết trước khi quyết định mua.
Đối với các thực phẩm đóng hộp:
KHỒNG NÊN MUA:
- Hộp thực phẩm đã bị phồng. Lỗi này ít gặp ở các loại hàng chất lượng cao, song không phải hiếm khi những nơi vẫn bày bán hàng quá hạn dùng hay hàng kém chất lượng. Khi hộp chứa bị phồng tức là thức ăn bên trong đã ‘thiu’ và vi khuẩn đã phát sinh trong đó. Các loại hay gặp là: nước trái cây đóng hộp, phô-mai tươi, mì pasta, sữa chua (yaourt). Những thực phẩm này khi đóng hộp hầu như không qua giai đoạn tiệt trùng, nhiệt độ môi trường cao hơn quy định thì thức ăn sẽ bị hỏng.
- Sản phẩm chế biến từ sữa và các hàng thức ăn chế biến (xúc xích, thịt hun khói, các loại chế biến sẵn) không để trong tủ mát. Những loại thực phẩm này bắt buộc phải giữ lạnh, do đó không nên mua các loại thực phẩm này khi cửa hàng bán không bảo quản bằng tủ mát.
- Các loại thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh đã quá hạn. Cần xem kỹ hạn dùng, loại thực phẩm này có thể gây ngộ độc thức ăn khi quá hạn dùng.
- Các loại thực phẩm dạng đông lạnh hay giữ lạnh bị để lệch ra ngoài chỗ bảo quản, hoặc nhô lên khỏi tủ lạnh. Quy định chung thường là các loại thức ăn này phải nằm lệch xuống dưới hay vào trong mép tủ lạnh 5cm.
- Những loại thực phẩm đông lạnh đã có nước đá đông dính vào giữa hai túi hoặc có nước đá đông bên trong của túi. Dấu hiệu này chứng tỏ là thực phẩm đã được lấy ra ngoài sau đó tái đông lạnh, và có thể bị mất phẩm chất. Nếu bên trong túi thực phẩm có nước đá đông, chứng tỏ nước chảy ra từ chính loại thực phẩm đó, làm cho mùi bị và chất lượng thức ăn cũng sẽ bị biến đổi.
- Bao bì và túi đựng thực phẩm có dấu xé hoặc dán lại. Có thể thức ăn bên trong đã bị hỏng, hoặc mất chất lượng.
NÊN KIỂM TRA KỸ:
- Phô-mai được bọc giấy trong, cẩn thận mốc có thể mọc lên ở trong đó
- Kiểm tra nhãn hiệu. Nhãn hiệu thực phẩm có chất lượng thường cung cấp đầy đủ thông tin, đặc biệt thông tin về cách thức bảo quản.
Một số quy định về nhãn:
Ở các nước tân tiến, nhãn thực phẩm phải dán theo luật quy định, những thực phẩm muốn nhập khẩu cũng phải tuân theo luật định chung của nước sở tại.
Một số quy định ví dụ như:
- Thực phẩm tươi sống, có thời gian lưu hạn ngắn dưới 7 ngày, bắt buộc phải ghi ngày giờ đóng gói (day of packing) hoặc phải ghi hạn dùng đến thời điểm nào: (used by date)
- Thực phẩm có thể lưu trữ lâu hơn, thời gian có thể để đến 2 năm thì nhãn phải xác định: ngày đóng gói, hoặc hạn dùng đến thời điểm nào như trên, hoặc phải ghi ‘tốt nhất là dùng trước ngày nào’ (best-before date).
- Thực phẩm lưu trữ được tối thiểu là 2 năm thì miễn các qui định trên. Ngoài ra cũng có các ngoại lệ khác.
Theo quy định thì:
Nhãn ghi “packed on” (được đóng gói vào [thời điểm]..) hoặc “packing date” (ngày đóng gói là tự nói lên tất cả.
Còn “used-by” ( dùng trước [thời điểm]) là quy định ghi thời gian tối thiểu có thể để bày bán, tính từ ngày đóng gói theo điều kiện ước định. Những loại thực phẩm còn nằm trong hạn dùng và còn nguyên ‘phong niêm’ thì coi như chất lượng không bị giảm rõ rệt nếu được bảo quản đúng theo hướng dẫn trên nhãn. Người tiêu dùng thường thì vứt bỏ những thực phẩm quá hạn theo ngày ghi vì họ nghĩ hoặc là không an toàn hoặc là chất lượng thức ăn đã bị biến đổi. Điều này có thể đúng, đặc biệt đối với các loại thực phẩm dễ hỏng như sữa tươi, thế nhưng không hẳn thế đối với nhiều loại thực phẩm khác.
Hiện nay một số nơi có các đề xuất thay đổi một số quy định về nhãn đang được cơ quan có thẩm quyền cân nhắc, và nếu thực thi thì có thể sẽ theo chiều hướng:
Không được có sự nhầm lẫn giữa hai nhãn “used by” và “best before” như nêu trên nữa.
- Nhãn ghi hạn “best before” là sẽ để chỉ một tình trạng chất lượng đảm bảo được ghi ra trong nhãn hoặc qua các thông điệp ngầm ý của nhà sản xuất trưng bày, quảng cáo nếu được bảo quản theo quy định của nhà sản xuất hướng dẫn. Tuy nhiên, sau ngày ‘best before” đó thì thức ăn vẫn còn có thể hoàn toàn dùng được như bình thường.
- Nhãn ghi hạn “used-by” dùng để chỉ thời điểm thực mà thực phẩm có thể lưu trữ. Do đó thức ăn cần phải thanh toán trước thời điểm ghi hạn dùng (used by) vì lý do an toàn thực phẩm. Do đó thực phẩm có ghi nhãn này thì nhất thiết không được bày bán khi đã quá hạn, và như thế là phạm luật. Người mua hàng cũng nên cảnh giác tình trạng này khi mua cũng như khi sử dụng.
- Nhãn ghi “ngày đóng gói” (‘date of packing’) được áp dụng cho các loại thực phẩm áp dụng được cả hai loại nhãn ‘best before’ và ‘used by’ nêu trên, khi người ta không dùng tách biệt được hẳn là ‘best before’ hay ‘used by’
Như vậy ta có thể thấy về mức độ nghiêm ngặt về việc thời gian sử dụng sẽ đi từ ‘used by’ đến ‘date of packing’ rồi đến ‘best before’
THỰC PHẨM SAU KHI MUA
Một số thực phẩm đông lạnh sau khi mua nên bọc gói ít nhất là thêm vài lớp giấy để hạn chế sự thay đổi nhiệt độ của thức ăn trên đường về tới nhà. Nếu người bán hàng không thích gói thêm, thì mình nên tự làm việc đó, sẽ tốt hơn là để vậy. Nên lập ‘kế hoạch’ mua sắm những đồ khô trước, những loại thực phẩm tươi cần bảo quản trong môi trường lạnh thì nên mua sau cùng, và nên đem về ngay, càng sớm càng tốt, và nên để ngay chúng vào tủ lạnh khi về đến nhà.
(còn tiếp)
Ghi chú : * Bài viết sử dụng tài liệu của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm và Dinh dưỡng Úc và Hiệp hội Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ.
* Nguồn hình ảnh được đăng tải bởi Công ty Việt Can